Giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật cùng quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở trong nước cũng như trên thế giới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) phát triển ngày càng nhiều về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực dành cho lĩnh vực này hiện chưa đáp ứng được kỳ vọng, đòi hỏi những biện pháp mang tính đột phá của doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý.

Vừa qua, tổ chức Báo cáo thị trường IT Việt Nam (TopDev) công bố, đến năm 2025, ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam dự kiến cần đến 700.000 nhân sự. Tuy nhiên, con số thực tế đáp ứng được chỉ đạt khoảng 530.000 người, điều này cho thấy ngành công nghệ thông tin đang thiếu hụt một lượng lớn lao động lành nghề. 

Hiện nay, lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động tại nước ta ước đạt 70.800, tăng 300 doanh nghiệp so với tháng 1-2023. Tổng số nhân lực toàn ngành CNTT-điện tử viễn thông đạt hơn 1 triệu người. Sự xuất hiện ngày một nhiều của các doanh nghiệp công nghệ số tạo ra nhu cầu tuyển dụng lao động là các kỹ sư CNTT lớn hơn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT lại đang không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo số liệu từ Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, 92% doanh nghiệp CNTT ở nước ta là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,3% (còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Tuy nhiên, 92% doanh nghiệp siêu nhỏ lại chỉ nắm 2,64% doanh thu toàn ngành công nghệ số, trong khi 0,3% doanh nghiệp lớn nắm đến 58,25% doanh thu toàn ngành. Điều đó cho thấy rằng, nhu cầu lớn về nhân sự chủ yếu đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn; kéo theo là những tiêu chuẩn chuyên môn, yêu cầu về kỹ năng, thái độ làm việc cũng cao hơn; điều mà sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật nước ta còn thiếu. Mặt khác, tiêu chuẩn tốt nghiệp của sinh viên tại trường học đôi khi còn vênh với tiêu chuẩn đầu vào của doanh nghiệp, dẫn đến hiện tượng chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. 

Một trong những điểm yếu dẫn tới hạn chế về khả năng xin việc của lao động ngành CNTT là ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài gồm các lĩnh vực đang rất cần nhân lực lao động về trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, an toàn thông tin... nhưng ngoại ngữ lại trở thành rào cản đối với các kỹ sư CNTT Việt Nam. Vì vậy, nâng cao trình độ ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, điều này còn góp phần củng cố sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp trong nước đã và đang tiến ra thị trường quốc tế.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam cần có 3 triệu nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào năm 2030. Thực tế trong bối cảnh nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi số, nhu cầu nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin - phần mềm luôn ở mức cao và đi kèm là đãi ngộ tốt, nhưng việc tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin luôn là “bài toán khó” với nhiều doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.

Các giải pháp giúp giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin

Việt Nam đã có các chính sách về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáng kể trong vài năm qua. Nhưng nhu cầu tuyển dụng nhân lực tại Việt Nam còn rất lớn và ngày càng yêu cầu cao về chất lượng. Thực tế này diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ thì đào tạo so với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp vẫn còn quá thấp.

Ngay khi tuyển dụng nhân sự công nghệ mới tốt nghiệp thì hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều phải đào tạo lại, tức là đưa nhân sự đi triển khai và tiếp cận với các tình huống thực tế để có các kiến thức thực chiến. Quá trình này thường kéo dài và tốn kém nhiều nguồn lực của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam cũng trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, trong đó lấy công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) làm nền tảng.

Ngành ICT đã trở thành ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô 100 tỷ USD và xấp xỉ 1 triệu lao động trí thức. Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với một trong những nền móng quan trọng trong phát triển kinh tế số và xã hội số chính là nhân lực số.

Với trụ cột này, chiến lược hướng đến tập trung phát triển nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn thông tin mạng, với điểm đột phá là các trường đại học số, người học có thể học và thi trực tuyến, có thể sử dụng học liệu số được cá nhân hóa, có thể được hỗ trợ học tập bởi trí tuệ nhân tạo.

Chiến lược đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong đó tăng mạnh chỉ tiêu đào tạo các ngành Công nghệ thông tin, công nghệ số và các lĩnh vực có liên quan (tương ứng cùng đó là tăng đầu tư cho các điều kiện đảm bảo chất lượng).