Với việc Thủ tướng Chính phủ chính thức “bật đèn xanh” cho chủ trương thuê ngoài dịch vụ ứng dụng CNTT trong khối cơ quan Nhà nước, có thể nói, chưa bao giờ cơ hội cho các doanh nghiệp CNTT lại gần như lúc này.
Hiểu một cách cơ bản nhất, thuê ngoài dịch vụ CNTT là hình thức cung cấp các phần mềm, hệ thống công nghệ dưới dạng dịch vụ, gói thuê bao. Toàn bộ hệ thống sẽ chạy trên nền tảng của nhà cung cấp, và nhà cung cấp dịch vụ sẽ đảm trách mọi khâu từ triển khai dịch vụ, vận hành cho tới bảo trì, bảo dưỡng cho khách hàng.
Trong dự thảo Nghị định Hướng dẫn một số điều của Luật Công nghệ thông tin về dịch vụ công nghệ thông tin, thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin được định nghĩa là việc thuê các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân độc lập với chủ đầu tư, tổ chức mua sắm về tổ chức, tài chính nhằm cung cấp, thực hiện các dịch vụ của chủ đầu tư hoặc tổ chức mua sắm đó.
Lợi ích khi thuê ngoài dịch vụ CNTT
Thuê ngoài dịch vụ CNTT có rất nhiều ưu điểm, lợi ích dành cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Không khó để chỉ ra những lợi ích mà các cơ quan Nhà nước, tổ chức có thể nhận được khi thuê ngoài dịch vụ CNTT, nhất là khi xu hướng này đã phổ biến tại nhiều nước phát triển như Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Theo phân tích của ông Đỗ Cao Bảo, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FIS) thì có bốn lợi ích không thể phủ nhận, dễ nhận thấy nhất từ xu hướng này, đó là vốn, thời gian, hiệu quả của hệ thống và con người.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc thuê dịch vụ CNTT là một giải pháp tối ưu. Thay vì phải đầu tư vào một hệ thống CNTT quy mô lớn, các doanh nghiệp có thể truy cập vào các dịch vụ CNTT chuyên nghiệp với chi phí hợp lý. Điều này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí ban đầu và tập trung vào việc phát triển sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, việc thuê dịch vụ cũng giúp các doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp các xu hướng công nghệ mới và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Nhưng vốn không phải là lợi ích lớn duy nhất. Đã là cơ quan Nhà nước thì không ai không “hãi” thủ tục phức tạp của quá trình đầu tư với rất nhiều công đoạn, thủ tục, từ thủ tục giải ngân cho đến thủ tục thiết kế, rồi chuẩn hóa công nghệ… Nhưng khi đi thuê, những thủ tục này sẽ do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT tự làm. Ngay cả khâu thiết kế nhà cung cấp dịch vụ cũng sẽ đảm trách nốt nên chắc chắn, thời gian triển khai hệ thống, dịch vụ ở cơ quan nhà nước sẽ được rút ngắn đáng kể.
Khó khăn của một cơ quan Nhà nước khi quyết định đầu tư một hệ thống CNTT là họ không có kinh nghiệm, chuyên môn nên khi mua sắm vật tư sẽ dễ rơi vào tình trạng lãng phí, mua những sản phẩm quá đắt, không cần thiết hoặc mua sớm quá, chưa cần dùng ngay. Nói cách khác, khoản đầu tư đã không được tối ưu hóa, khiến cho giá thành hệ thống bị đội lên quá cao. Nhưng nếu như thuê ngoài, hiển nhiên là nhà cung cấp dịch vụ sẽ tự tối ưu hóa giá thành dịch vụ và chắc chắn, mức giá thành đó sẽ thấp hơn so với “khách hàng” tự đầu tư. Đấy là chưa kể thời gian để hệ thống đi vào hoạt động cũng ngắn hơn, khoản tiền đầu tư sẽ được thu hồi nhanh hơn, đồng nghĩa với hiệu quả đầu tư tăng lên, ông Bảo phân tích.
Một trong những yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi quyết định tự xây dựng hay thuê ngoài hệ thống là nguồn nhân lực. Khi tự xây dựng, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư một khoản lớn để tuyển dụng và đào tạo đội ngũ IT, đồng thời phải đối mặt với những thách thức trong việc quản lý một đội ngũ chuyên môn. Ngược lại, việc thuê ngoài giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí nhân sự, giảm bớt gánh nặng quản lý và tiếp cận được đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, từ đó đảm bảo hệ thống được xây dựng và vận hành một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Đồng quan điểm với ông Bảo, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Cựu Tổng Giám đốc công ty Misa khẳng định với việc sử dụng dịch vụ dưới dạng thuê bao, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể dễ dàng tiếp cận các hệ thống quản lý cao cấp mà không cần tốn nhiều chi phí cho việc đầu tư máy chủ, hệ thống v…v… “Mô hình này mang tính cơ động, hiệu quả cao giống như thuê bao điện thoại, rất phù hợp với điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, các đơn vị – cơ quan hành chính Nhà nước”, ông Hoàng chia sẻ.
Đã chín muồi để triển khai?
Câu hỏi đặt ra là, với rất nhiều ưu điểm như vậy, tại sao thuê ngoài dịch vụ CNTT lại chưa được đón nhận nhiều tại Việt Nam. Vì sao nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn e dè với ý tưởng này như vậy, thậm chí còn chỉ ra vô số khó khăn, vướng mắc để “biện hộ” cho sự chần chừ, do dự của mình.
Tuy nhiên, theo ông Bảo thì độ trễ này thực ra không có gì khó hiểu và cũng hoàn toàn nằm trong quy luật chung của thế giới. “Tất cả các xu hướng mới (công nghệ hay dịch vụ) thì bao giờ cũng xuất phát ở các nước phát triển. Dịch vụ thuê ngoài cũng tương tự như vậy, được hình thành ở các nước phát triển khi họ đã đạt tới trình độ quản lý cao, độ văn minh cao. Khi ấy, họ mới nhận thức ra được sự lãng phí và nảy sinh nhu cầu tối ưu quy trình. Một trong những biện pháp để tối ưu chính là thuê ngoài”.
Để một tổ chức có thể chuyển đổi thành công sang mô hình quản lý dựa trên việc thuê ngoài, người lãnh đạo cần trang bị cho mình những kỹ năng quản trị hiện đại và tầm nhìn chiến lược xa trông rộng. Tuy nhiên, việc xây dựng một đội ngũ lãnh đạo như vậy đòi hỏi thời gian và đầu tư lớn. Tại các quốc gia đang phát triển, những hạn chế về hệ thống đào tạo, kinh nghiệm thực tiễn và văn hóa tổ chức thường khiến quá trình này diễn ra chậm hơn so với các nước phát triển. Do đó, việc các nước này đi sau trong cuộc đua phát triển là điều dễ hiểu và cần có những giải pháp phù hợp để khắc phục.
Song nói như vậy không có nghĩa là thời cơ cho thuê ngoài dịch vụ CNTT tại Việt Nam chưa đến. Hoàn toàn ngược lại, Việt Nam được nhận định là có đầy đủ điều kiện chín muồi để triển khai rộng rãi mô hình này, vì nền CNTT Việt nam đang phát triển vượt trên trình độ phát triển chung của nền kinh tế. Thậm chí một số chuyên gia còn đánh giá độ sẵn sàng của Việt Nam còn cao hơn nhiều nước có cùng chỉ số phát triển kinh tế như GDP.
“Tuy nhiên, có đi được vào thực tiễn hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của lãnh đạo. Rất may cho các doanh nghiệp CNTT nội là Chính phủ đang rất quyết tâm. Tôi nghĩ rằng sự quyết tâm này sẽ thúc đẩy mạnh thị trường cho thuê dịch vụ CNTT , nâng cao hiệu suất của đầu tư xã hội và giúp chúng ta đi nhanh hơn so với các nước cùng trình độ”, ông Bảo lạc quan.